Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Xuống dốc, phanh bằng động cơ chính là "thượng sách"

Lực tự hãm của động cơ do chính là áp suất nén trong xylanh tạo ra. Giống như việc khi chúng ta dùng tay ấn vào cần của một chiếc bơm vậy. Khi xuống dốc, động cơ làm việc ở chế độ cầm chừng (galanty), lúc này chuyển động từ bánh xe lại truyền ngược lên động cơ, làm piston nén khí trong xylanh tạo ra lực hãm.

Khi xuống dốc, xe phải về số thấp để lợi dụng khả năng tự hãm của động cơ. Số càng thấp thì khả năng tự hãm càng lớn.

Trong sa hình thực hành, với một khoảng cách đường chạy nhất định, học viên phải thao tác được việc dồn số từ số cao nhất xuống tới số thấp nhất, nếu vượt quá quãng đường đặt ra là chưa đạt yêu cầu.

Khi xuống dốc, nhất là đối với xe tải trọng lớn, một phần trọng lượng này có xu hướng kéo xe lao xuống. Xe thường tăng tốc ngoài ý muốn, việc hãm lại là nhu cầu tất yếu của các tài.
Việc rà phanh trong trường hợp này sẽ là thất sách. Bởi khi đó, động năng của xe sẽ được chuyển hóa thành nhiệt năng làm nóng cơ cấu phanh. Đa phần hệ thống phanh trên xe dân dụng truyền động bằng thủy lực. Nhiệt độ cao dễ làm cao su mềm, thậm chí chảy ra, các gioăng mất khả năng làm kín. Đường ống mất áp suất, hệ thống phanh bị vô hiệu hóa. Giống như con ngựa bất kham, chiếc xe lao đi trong sự bất lực của người lái.

Trong trường hợp này, thượng sách là ép số phanh bằng động cơ. Xe phải về số thấp (số 2 hoặc 1 tùy thực tế độ dốc và tải trọng xe) để lợi dụng khả năng tự hãm của động cơ. Số càng thấp thì khả năng tự hãm càng lớn.

Điều này ai chưa hiểu thì thử chạy xe máy ở tốc độ cao, sau đó đột ngột về số thấp, máy sẽ gầm gừ và xe sẽ tự hãm lại rất nhanh. Chính bởi lý do này mà các xe máy dùng côn tự động đang đi số 4 không bao giờ ấn về 0 được. Vì nếu ấn thêm một lần nữa, xe nhảy về số 1 trong khi tốc độ còn cao thì sẽ thật nguy hiểm.

Nhưng nếu xe dừng thì từ số 4, người lái chỉ cần ấn một lần là về 0.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét