Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Mẹo để tăng tuổi thọ cho xế yêu của bạn

Trong thời kỳ chạy rốt-đa (thường là 1000 km đầu), giữ tốc độ xe của bạn dưới 88 km/h hoặc theo tốc độ mà nhà sản xuất khuyến cáo.

Dưới đây là tập hợp những lời khuyên từ các chuyên gia và những kinh nghiệm từ các tài già nhằm giúp bạn sử dụng và bảo quản xế yêu của mình.
 Hãy kiên nhẫn trong thời kỳ chạy rốt-đa

Bạn vừa dành những đồng tiền mình vất vả kiếm được vào chiếc xe mới và muốn nó luôn trong trạng thái hoàn hảo khi sử dụng? Đây là một số điều bạn cần nhớ ngay sao khi bạn lái chiếc xe ra khỏi showroom:

- Tránh gây áp lực lên hệ truyền động, chẳng hạn như kéo thêm rơ-mooc hay chở những đồ vật quá nặng.

- Không để xe bạn trong trạng thái không sử dụng trong một thời gian dài - đặc biệt là trong thời gian chạy rốt-đa, vì áp lực dầu sẽ không đủ để đưa dầu tới mọi bộ phận của động cơ.

- Tăng tốc từ từ, không đột ngột và cố gắng giữ vòng tua động cơ dưới mức 3000 vòng/phút trong vài giờ đầu lái xe.

Lái xe cẩn thận hàng ngày

Bạn nên quan tâm đến chiếc xe của mình, ngay cả khi thời kỳ chạy rốt-đa đã kết thúc. Điều này sẽ giúp bạn không phải ghé thăm các garage thường xuyên.

- Những hành động kiểu rồ ga hay tăng tốc đột ngột sau khi khởi động là cách nhanh nhất để làm giảm tuổi thọ động cơ, đặc biệt là trong thời tiết lạnh.

- Làm nóng động cơ bằng cách chạy không tải không phải là một ý tưởng hay. Động cơ sẽ không chạy ở nhiệt độ cần thiết, làm nhiên liệu không cháy hết, gây muội trong lòng xi-lanh, làm bẩn dầu và dẫn đến hư hỏng cho nhiều chi tiết khác.

- Đối với xe số tự động, nên chuyển về N khi đợi đèn đỏ. Nếu không, động cơ sẽ vẫn cố gắng hoạt động để đẩy chiếc xe lên ngay cả khi chiếc xe đang dừng.

- Tránh lái xe ở tốc độ cao và tăng tốc nhanh, đặc biệt khi trời rất nóng hay lạnh.

- Lái xe cẩn thận nhằm kéo dài tuổi thọ của lốp. Tuân thủ đúng giới hạn tốc độ. Tránh ổ voi, ổ gà và bất kỳ vật thể gì trên đường. Không nên leo vỉa khi đỗ xe. Và đương nhiên, không đốt lốp!

- Không nên đánh tay lái hết cỡ về hai phía khi cua. Điều này có thể làm hỏng bơm của hệ thống trợ lực lái.

- Tìm một trạm xăng đáng tin cậy và cố gắng luôn luôn đổ ở đó. Điều này đặc biệt quan trọng, khi một loạt vụ cháy nổ xe do xăng dỏm đã xảy ra trong thời gian vừa qua.

- Nếu thấy xe bồn đang tiếp xăng ở trạm, tốt nhất bạn nên đổ xăng vào hôm khác hay đi đến trạm khác. Khi xe bồn đổ xăng vào bể chứa, những cặn bẩn lắng dưới đáy sẽ bị xới tung lên. Những cặn này sẽ nhanh chóng làm bẩn lọc nhiên liệu vày gây ra nhiều tác hại tới động cơ.

- Không nên treo chìa khóa xe với nhiều chìa khác. Trọng lượng của cả chùm khóa, cộng với sự rung lắc khi chiếc xe di chuyển sẽ nhanh chóng làm bào mòn những thành phần trong ổ khóa của xe.

- Chọn một hãng bảo hiểm tốt. Những sự cố hay tai nạn luôn xảy ra một cách bất ngờ. Hãy chắc chắn rằng hãng bảo hiểm bạn chọn sẽ trả cho những phụ tùng chính hãng và có trách nhiệm trong việc hồi phục chiếc xe.

- Học cách ghi nhật ký về hoạt động của chiếc xe hàng ngày. Luôn giữ một quyển sổ và một cái bút trong hộp đựng găng tay hay dùng các app ghi chú trên điện thoại hay tablet. Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng nhận ra những điều bất thường ở chiếc xe và giúp cho thợ sửa chữa ở garage dễ dàng hơn trong việc bắt bệnh chiếc xe của bạn.

Nội thất của xe Honda Civic ít độc hại nhất

Theo một nghiên cứu mới công bố, hiện nay, không ít những chiếc xe được trang bị nội thất chứa nhiều hóa chất độc hại, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng. Ecology Center, một tổ chức môi trường phi lợi nhuận đặt trụ sở tại Ann Arbor, bang Michigan, Mỹ, đã xếp hạng 204 mẫu xe theo tiêu chí chất lượng không gian nội thất. Qua đó, Honda Civic là mẫu xe có không gian nội thất chứa ít hóa chất độc hại nhất. Cụ thể, khoang lái của Honda Civic không có chất hãm lửa gốc brom. Sợi vải bọc nội thất cũng không có thành phần PVC. Bên cạnh đó là số lượng ít những kim loại nặng và chất gây dị ứng.

Ngược lại, những mẫu xe sở hữu không gian nội thất độc hại nhất chính là Mitsubishi Outlander Sport, Chrysler 200 SC và Kia Soul đời 2011.

Nội thất của Honda Civic an toàn cho người sử dụng.
Ngược lại, những mẫu xe sở hữu không gian nội thất độc hại nhất chính là Mitsubishi Outlander Sport, Chrysler 200 SC và Kia Soul đời 2011.

"Sự quan tâm và lo ngại của người tiêu dùng đối với lượng hóa chất độc hại trong nội thất xe ngày càng tăng lên", ông Jeff Gearhart, giám đốc nghiên cứu Ecology Center, phát biểu. "Lượng hóa chất độc hại trong xe còn cao hơn nhà ở, văn phòng và những không gian kín mà chúng ta thường xuyên tiếp xúc. Có thể nói, mùi nội thất mới chẳng khác nào một cốc hỗn hợp hóa chất".

Được biết, nhóm Ecology Center đã kiểm tra 11 thành phần trong nội thất xe hơi, từ vô lăng, cụm đồng hồ, thảm sàn, bảng táp-lô, tay vịn, ghế ngồi đến phụ kiện trang trí cứng/mềm, để tìm kiếm những hóa chất độc hại như brom, clo, chì và kim loại nặng. Phần lớn những hóa chất kể trên đều liên kết với các vật liệu nội thất và từ từ phát tác theo thời gian.

Khi tiếp xúc với các hóa chất độc hại, ví dụ qua đường hô hấp, người lái sẽ có nguy cơ bị dị ứng, nhiễm độc phổi, khuyết tật sinh sản và ung thư.

"Phòng thí nghiệm hóa học di động"

"Nội thất xe hơi là môi trường phù hợp cho những hóa chất độc hại tồn tại", ông Gearhart khẳng định. "Khi gặp ánh nắng mặt trời, những hóa chất trên còn phát tác với tốc độ nhanh hơn. Nội thất xe hơi giờ đây chẳng khác nào một phòng thí nghiệm hóa học di động".

Sau khi kết quả của bài nghiên cứu được đưa ra, các nhãn hiệu xe như Mitsubishi và Kia đều "im hơi lặng tiếng". Chỉ có một mình Chrysler phản hồi: "Tập đoàn chúng tôi tự tin vào độ an toàn của nội thất xe đối với sức khỏe người sử dụng. Bài nghiên cứu do Ecology Center tiến hành vốn chỉ tập trung vào việc kiểm tra sự hiện diện của các hóa chất trong một thành phần nội thất chứ không nói rõ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Chúng tôi vẫn liên tục rà soát để giảm thiểu việc sử dụng những vật liệu độc hại, nếu có, trong nội thất xe".

Những bước tiến của Honda

Đây là năm thứ 4 liên tiếp, Honda đứng đầu trong làng xe thế giới về mặt nội thất an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Trong khi đó, Hyundai-Kia tiếp tục "đội sổ" như năm ngoái.

Hãng Honda luôn cố gắng sử dụng các vật liệu ít hoặc không độc hại trong xe.

Trong hơn một thập kỷ qua, hãng Honda đã tiến hành nhiều phương pháp giảm thiểu hoặc loại bỏ polyvinyl clo và những hóa chất khác khỏi nội thất xe. Theo ông Marcos Frommer, phát ngôn viên Honda Mỹ, mục tiêu của hãng xe Nhật Bản là giảm việc sử dụng các vật liệu có chứa clo xuống dưới 1%.
"Chúng tôi luôn cố gắng sử dụng những loại vật liệu ít hoặc không chứa hóa chất độc hại để đáp ứng những quy định khắt khe trong quá trình lắp ráp nội thất", ông Frommer cho biết.

Ngoài Honda Civic, còn có 9 mẫu xe khác sở hữu nội thất ít độc hại nhất, cụ thể là 2011 Toyota Prius, 2011 Honda CR-Z, 2011 Nissan Cube, 2012 Acura RDX, 2012 Acura ZDX, 2012 Audi S5, 2011 Smart Coupe, 2011 Toyota Venza và 2011 Smart Passion.

Nội thất của Kia Soul 2011 chứa nhiều hóa chất độc hại.

Trong khi đó, 10 mẫu xe có nội thất chứa nhiều hóa chất độc hại nhất là 2011 Nissan Versa, 2011 Mazda CX-7, 2012 Hyundai Accent, 2011 Chevy Aveo5, 2011 Kia Sportage, 2012 VW Eos, 2012 Mini Cooper S Clubman, chưa kể Mitsubishi Outlander Sport, Chrysler 200 SC và Kia Soul 2011.

5 lỗi cơ bản của người "nhập môn" xe phân khối lớn

Dưới đây là 5 lỗi cơ bản mà những người mới “nhập môn” xe phân khối lớn thường hay mắc phải cũng những cách khắc phục chúng.

Không phải chỉ cần tậu xe về là đã xong, bạn sẽ cần phải học cách chinh phục những “mãnh thú” này.

Lỗi 1: Chọn không đúng loại xe

Các mẫu xe trong danh sách giới thiệu lựa chọn cho người mới bắt đầu thường có những điểm chung sau: chúng nhỏ hơn, dễ điều khiển hơn giúp người lái có thể làm chủ được xe khi bắt đầu học các kĩ thuật cua hay chạy xe.

Do vậy, đừng để bị những chiếc xế “khủng” cám dỗ vội, bạn sẽ lái chuẩn hơn nếu bắt đầu từ những mẫu xe nhỏ hơn.

Lỗi 2: Quá nóng vội

Khi mới tậu một chiếc xế “ngon” và nhận bằng lái xe, chắc chắn bạn sẽ muốn lướt gió trên mọi con phố với “cục cưng” của mình. Hãy nhớ rằng ngoài kia là một khu rừng rậm đầy hiểm nguy với nhiều tình huống mà bạn chưa thể xử lý được. Đồng thời, giao thông ở những thành phố lớn và đông đúc như Hà Nội là một thử thách cho những người mới bắt đầu.

Trước tiên, bạn hãy tập thử tại các con đường hoặc khu vực vắng vẻ, điều này sẽ giúp bạn tập trung vào điều khiển và làm quen với xe của mình hơn là lo tránh người. Đồng thời, nếu giai đoạn đầu không gặp sự cố hay tai nạn gì với chiếc xe của mình, bạn sẽ tự tin hơn khi đối mặt với các tình huống khó khăn.

Lỗi 3: Không quan sát bao quát khi đi đường

Đi đường không phải bạn chỉ cần quan sát phía trước. Bạn phải để ý chiếc xe phía sau có đang tiến dần đến làn đường của mình không, cánh cửa của chiếc xe đỗ phía trước liệu có đột ngột mở ra không hay người đi sau bạn liệu có thấy tín hiệu đèn xi-nhan của bạn không…

Trong thời đại giao thông hỗn loạn này, bạn phải giữ cho mình tầm quan sát bao quát 360 độ. Khi đã đạt đến “cảnh giới” đó, điều bất ngờ sẽ không khiến bạn luống cuống nữa. Hãy quan sát tốt phía trước, để ý hai bên và thường xuyên nhìn gương chiếu hậu.

Hãy luôn cẩn trọng khi quan sát các phương tiện trên đường.
Lỗi 4: Tưởng người khác luôn nhìn thấy mình

Các tay mô-tô lão làng thường có một lời khuyên cho những hậu bối: hãy nghĩ là mình vô hình.

Trong khi có nhiều các để những người khác nhận ra sự hiện diện của bạn khi lái xe, việc nghĩ rằng những người xung quanh không thể thấy bạn cũng khá hữu ích. Bởi dù bạn có đang đi đúng đường thì cũng không thể chắc chắn là sẽ không có một chiếc ô-tô lạng vào, và dù bạn có nhìn vào mắt người tài xế thì cúng không thể chắc họ không làm một điều gì đó khiến bạn rơi vào tình thế nguy hiểm. Cuối cùng, lúc nào cũng nên đặt một ngón tay lên phanh phòng trường hợp khẩn cấp…và hãy nhớ rằng: chỉ kẻ hay hoài nghi mới sống sót.

Lỗi 5: Chở người khác hoặc chạy theo đoàn khi bạn chưa sẵn sàng

Mặc dù việc chở một cô nàng trên chiếc xế phân khối lớn khá là thú vị, tuy nhiên điều này sẽ khiến bạn phải thay đổi cách điều khiển xe. Và phải thừa nhận một điều rằng chúng ta thường hay cố “tỏ vẻ” trước mặt người khác, như lạng lách nhiều hơn một chút chẳng hạn. Tương tự, việc chạy theo đoàn cũng sẽ khiến bạn phải đi nhanh hơn so với tốc độ bình thường và phải chú ý đến các thành viên khác.

Hãy dành giai đoạn đầu chạy một mình, bạn làm chủ xe của mình nhanh hơn và chắc tay hơn trước khi có thể chở bạn đồng hành một cách an toàn.

Camera hậu dành cho xe hơi - Thiết bị chống điểm mù hiệu quả

Nếu đã lái xe từ trước khi xuất hiện thiết bị cảm biến đậu xe, camera hậu hoặc thiết bị đậu xe tự động, chắc bạn đã quen với việc tự  xoay xở khi cho xe vào bãi. Nhưng không có cách nào để biết chính xác tất cả những gì xảy ra xung quanh chiếc xe của bạn. Luôn có điểm mù tại nơi nào đó, với bất kì loại xe nào. Bạn có thể tự tin về khả năng ước lượng khoảng cách mà không cần phải trực tiếp nhìn sang lề đường hay xe bên cạnh. Những tài xế trên trung bình đều có thể làm vậy, nhưng trừ khi bạn lái xe với những cửa sổ mở rộng, điểm mù vẫn luôn là một vấn đề lớn.

Đây là một thiết bị đã xuất hiện trên thị trường khá lâu và rất hữu ích cho các tài xế.

Lí do nên có

Ngoài việc bị trầy xước khi ma sát với lề đường, tai nạn nghiêm trọng nhất có thể xảy ra khi bạn từ từ đậu xe hoặc lái xe từ vị trí đậu xe ra ngoài và có trẻ nhỏ xuất hiện trong đúng khu vực điểm mù với những chuyển động không thể đoán trước. Những SUV lớn, xe bán tải hoặc xe có đuôi sau dài thường có giới hạn điểm mù khá lớn, khoảng 13 m2.

Trong những năm qua, các nhà sản xuất xe hơi đã thử nghiệm tất cả các ý tưởng hỗ trợ đậu xe, từ thiết bị cảm biến đậu xe phổ biến hiện nay đến camera hậu và thậm chí là ăng ten. Ví dụ như chiếc xe đầu tiên trên thế giới có tính năng trợ giúp phía sau khi đậu xe là Mercedes-Benz S-Klasse W140, có trên cả phiên bản sedan và coupe. Bất cứ khi nào bạn thấy SEL hay SEC dựng lên ở phía đuôi xe, đó không phải là ăng ten radio mà là cách thông báo việc đậu xe đã hoàn thành.
Các nhà sản xuất đã đi một chặng đường dài sau những phát minh đầu tiên đó, Kết quả là bộ cảm biến ngày càng tốt hơn nhưng không thể thay thế được con mắt nhìn trực tiếp của người lái. Ngay cả bộ cảm biến đậu xe cũng có điểm mù nhỏ.

Rất nhiều xe hơi cỡ lớn và hiện đại ngày nay cung cấp camera chiếu hậu như một tùy chọn và thậm chí là tiêu chuẩn, trong khi những hãng xe cao cấp như Infiniti hay BMW còn tiến xa hơn với camera vạn năng. Vấn đề là không phải ai cũng đủ khả năng chi trả cho những mẫu xe đó hoặc đã mua một chiếc xe không có camera hậu. Và không chỉ còn dành riêng cho các hãng xe, những doanh nghiệp sản xuất thiết bị phụ tùng đã bắt kịp cuộc chơi này.

Lựa chọn phong phú

Không chỉ vậy, những lựa chọn về camera hậu phong phú như hệ thống các nhà máy sản xuất thứ cấp trong thị trường này và rẻ hơn nhiều so với mức giá đưa ra từ các nhà sản xuất thiết bị gốc. Bạn sẽ nhận được tùy chọn rẻ nhất đi kèm với màn hình chuyên dụng hoặc với mức giá cao hơn và kết nối ngay với màn hình trên bảng điều khiển, kết hợp với bộ điều hướng có sẵn.

Chất lượng hình ảnh cũng được chú ý đến như với máy ảnh kỹ thuật số. Bạn có thể chọn giữa hai thiết bị cảm biến hình ảnh CCD hoặc CMOS. Có sự khác nhau về giá cả và chất lượng, CCD có độ phân giải, độ nhạy sáng,… tốt hơn nhưng CMOS lại chiếm ưu thế về mức giá. Đương nhiên, đắt rẻ không phải là điều quan tâm duy nhất về camera hậu.

Ngoài giá cả, chất lượng cảm biến hình ảnh và khả năng tương thích với màn hình trong bảng điều khiển cũng là những tính năng hữu ích mà một camera nên có. Hầu hết đều có ống kính mắt cá để cho thấy càng nhiều chi tiết càng tốt nhưng điều quan trọng hơn là góc nhìn được đo bằng độ.

Đôi khi thị trường thứ cấp còn cung cấp nhiều tính năng hơn cả nhà sản xuất thiết bị gốc như tấm che chống chói nắng, hay thậm chí tính năng ánh sáng yếu hoặc chế độ nhìn ban đêm. Rõ ràng, với mức giá vài trăm tới môt ngàn đô la, bạn có thể sở hữu ngay camera chiếu hậu với góc nhìn 360 độ, có chế độ ban đêm, bộ cảm biến CCD, khả năng tương thích màn hình gốc. Và còn hơn cả mức giá hợp lý, điều tốt nhất mà công nghệ này mang lại cho bạn là sự an tâm cho đến tận cuối hành trình.

Cách giữ an toàn ở trên những cung đường đêm

Một số người tránh đi đêm bởi sự khó khăn về tầm nhìn, những động vật sống về đêm đột ngột xuất hiện trên đường hay hỏng hóc xảy ra giữa đường vắng.

Nếu bạn đang chuẩn bị cho một chuyến đi vào buổi tối hôm nay, hãy tham khảo những chỉ dẫn có thể giúp bạn đến đích an toàn.

Thế nhưng điều này không ngăn cản được mong muốn có những trải nghiệm thú vị khi chạy xe trong bóng tối khi tảng sáng hay khi mặt trời lặn. Muốn có được trải nghiệm này, bạn cần chuẩn bị thật kĩ càng để thực sự an toàn trong suốt hành trình. Ngay cả khi đã hài lòng với sự chuẩn bị chu đáo, bạn vẫn nên đi xe trong giới hạn của mình và nhớ một câu châm ngôn cũ: “Không nên quá tin vào đèn pha”. Bạn chỉ có thể biết được những gì đèn pha chiếu sáng rõ và cần kiểm soát được điểm dừng trong phạm vi mắt nhìn thấy được trong bóng tối. Hãy chắc chắn rằng bạn đã sẵn sàng tận hưởng hành trình lái xe khi màn đêm buông xuống.

Để nhìn rõ trên đường

Giả sử bạn có thị lực tốt, phần việc còn lại chỉ liên quan đến đèn trên xe. Một số mẫu xe du lịch chiếu sáng khá tốt, một số xe thể thao và xe loại khác thì chỉ tương đối. Không chỉ dựa trên kỹ năng, tầm nhìn và khả năng xử lý tình huống, bạn hoàn toàn có thể thay đổi khả năng nhìn trong bóng tối bằng cách nâng cấp đèn pha.

Đèn pha có vài chức năng như sau: chế độ chiếu gần cung cấp tầm nhìn rộng nhưng ngắn để không ảnh hưởng tới người đi ngược chiều. Đèn chiếu xa mang lại khả năng quan sát đường dài hơn với những chùm tia hẹp chiếu ánh sáng thẳng xuống mặt đường.

Đèn sương mù màu trắng thực sự chỉ là một hình thức chiếu chùm tia thấp và sắc để ánh sáng không phản xạ trở lại mặt bạn và làm chói mắt. Lý do chính để đèn sương mù thường có màu hổ phách là do màu hổ phách cung cấp phản xạ tốt nhất cho mắt trong điều kiện thời tiết lờ mờ vì sương mù.

Ngày nay, thị trường phụ tùng thiết bị đem đến đa dạng những lựa chọn về đèn chiếu sáng. Nếu nâng cấp bóng đèn, hãy chắc rằng bạn không làm chảy dây dẫn, thay đổi vị trí hay làm vỡ vỏ đèn pha bằng nhựa.

Nên nhớ đừng gây phiền toái cho người khác. Chạy xe với đèn chiếu xa sẽ ổn khi đi ngược chiều, nhưng nếu để đi lòng vòng, các loại đèn phụ trợ, đèn sương mù với chùm tia ngắn lại là lựa chọn hợp lý hơn. Bạn nên tăng cường sử dụng đèn chiếu gần để không ảnh hưởng tới tầm nhìn của người khác trên đường. Đó không chỉ thể hiện thẩm mỹ mà còn là văn hóa của chính người điều khiển.

Để được nhận diện trên đường.

Có muôn vàn phương thức để làm điệu cho xe. Một số người gắn lên xe lỉnh kỉnh những đèn LED, bộ kit neon, decan phản quang,… Một số khác lại muốn chiếc xe có vẻ thể thao hơn với bộ kit dưới đuôi xe và bỏ đi đèn tín hiệu, đèn pha trước, nhưng điều này lại khiến chiếc xe khó được nhìn thấy trong bóng tối.

Trong đêm tối, bạn nên đậu xe ở nơi có đèn sáng, và đứng từ một khoảng cách vừa đủ để kiểm tra xem chiếc xe của mình có thực sự được nhận ra từ phía trước, phía sau và bên cạnh hay không. Hãy thử chiếu ánh sáng vào xe để kiểm tra sự phản xạ.

Một ưu điểm khác của đèn pha kép hoặc đèn phụ trợ là bạn sẽ sớm được xác định là xe gắn máy chứ không nhầm với xe hơi ở khoảng cách xa với một đèn pha bị cháy. Những tấm phản quang trang trí có vị trí hợp lý trên thân xe sẽ hữu ích hơn rất nhiều.

Miếng dán phản quang với một loạt các màu sắc khác nhau gần như có thể phù hợp với nhiều vị trí trên thân xe mà lại ít gây chú ý vào ban ngày. Cách trang trí decan phản quang của bạn sẽ thể hiện sự kín đáo và tinh tế khi chạy xe trong ánh sáng mà vẫn phát huy hiệu quả trong bóng tối

Có hai loại phản quang thỏa mãn tiêu chuẩn kỹ thuật của Công ước quốc tế về sự an toàn của cuộc sống trên biển (SOLAS): dạng lăng kính và dạng hạt thủy tinh. Cả hai đều có những ưu điểm riêng và có sẵn trên thị trường. Dạng hạt thủy tinh có độ phản quang bằng 1/3 so với dạng lăng kính.

Ngoài ra, bạn nhớ rằng miếng phản quang nên có màu đỏ ở phía sau xe, màu hổ phách ở hai bên và màu trắng phía trước xe. Giữ đúng màu sắc phản quang sẽ giúp người khác biết bạn đang đến hay đi. Bên cạnh xe máy, quần áo và mũ bảo hiểm cũng cần được nhận dạng tương tự. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng được nhận ra trên con đường tối. Khi bạn ngã hoặc bị thương, các lái xe khác có thể nhận ra bạn.

Những biện pháp an toàn

Luôn nhớ mang tấm bảo vệ mắt sạch sẽ và không trầy xước bởi ngay cả khi có đèn pha, bạn vẫn cần nhìn thật rõ chi tiết bề mặt đường. Mang theo tấm vải sợi tổng hợp không bị mài mòn, nước hoặc dung môi an toàn để làm sạch tấm kính che mặt. Và nhớ mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ ban đêm.

Lái xe vào thời điểm này giống như bạn đang chia sẻ cung đường với những sinh vật sống về đêm. Một trong số những sinh vật nguy hiểm nhất chính là những người điều khiển phương tiện không tập trung trên đường. Cũng như ban ngày, bạn nên giữ khoảng cách an toàn để xử lý mọi tình huống có thể xảy ra.

Nếu bạn đang mệt mỏi, đừng bao giờ coi nhẹ việc này. Lái xe khi sức khỏe yếu và căng thẳng cũng nguy hiểm như khi bạn có rượu trong hơi thở.

Bên cạnh việc cẩn thận với những cạm bẫy trên đường lái, với sự chuẩn bị đầy đủ, chạy xe ban đêm đem đến cảm nhận tương phản tuyệt vời so với ban ngày. Trong mùa hè, bạn sẽ thấy thoải mái mát mẻ hơn khi không phải chen chúc trong đường phố đông đúc. Mọi thứ trông sẽ khác lạ và bạn sẽ nhìn thấy những thứ không bao giờ thấy được trong ánh sáng ban ngày.

Chúc bạn có một chuyến đi thú vị và an toàn.

Tư vấn giao thông: Đường cấm xe ôtô trên phố Lê Đại Hành

Được đánh giá là một trong những điểm cấm khá "hiểm hóc", đường Lê Đại Hành thực sự là đoạn phố đáng lưu ý với những tay lái "non" hoặc người ngoại tỉnh khi lưu thông. Không phải là dạng "biển bẫy" thế nhưng bất kể tay lái nào khi đi qua đây chỉ cần lơ là không nhìn biển hiệu sẽ dễ bị đi vào đường cấm mà không hay biết. Nếu bạn là một tay lái mới, bạn sẽ thấy dường như đây là tuyến phố khá an toàn và bình thường. Các hướng xe từ Bà Triệu hay Lê Đại Hành đều có thể rẽ vào đoạn phố này. Phía cuối đường, đoạn đèn đỏ giao với đường Đại Cồ Việt lác đác có ôtô đỗ chờ đèn khiến các lái xe thường chủ quan không nhìn biển mà đi thẳng.

Trên một tuyến phố dài, bất chợt có một đoạn ngắn có biển cấm ôtô ngược với hướng bạn di chuyển. Lê Đại Hành là một con phố như vậy.

Nếu các bạn muốn đi từ Bà Triệu sang Đại Cồ Việt để ra hướng đường Trần Khát Chân thì việc rẽ vào phố Lê Đại Hành sẽ là con đường ngắn nhất và thoáng nhất để đi thẳng ra ngã tư Bạch Mai - Phố Huế - Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân. Tuy nhiên, đoạn Lê Đại Hành ngằm giữa Mai Hắc Đế và phố Cao Đạt lại có một đoạn ngắn có biển cấm xe ôtô.

Để có thể di chuyển từ Bà Triệu ra hướng ngã tư Bạch Mai - Phố Huế - Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, các bạn sẽ có 3 lựa chọn cung đường:

- Một là có thể đi thẳng Bà Triệu và ra Đại Cồ Việt, quay đầu xe về hướng ngã tư.
- Hai là tại ngã tư Bà Triệu, rẽ sang hướng Thái Phiên sau đó rẽ phải tại ngã tư Thái Phiên - Mai Hắc Đế, đi thẳng ra điểm giao với phố Đại Cồ Việt.
- Ba là vẫn tiếp tục di chuyển theo phố Lê Đại Hành và rẽ phải vào phố Cao Đạt cạnh đó để ra Đại Cồ Việt và tiến hành quay đầu xe. Các bạn có thể tham khảo sơ đồ đường đi dưới đây.

Với lỗi đi vào đường cấm, lái xe có thể bị phạt từ 1.400.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Kèm theo đó là việc bị tạm giữ bằng lái trong vòng 30 ngày.

(*) Chú thích:

- Mũi tên Xanh chỉ hướng có thể di chuyển của xe ôtô.
- Vòng tròn Đỏ chỉ vị trí đặt biển cấm xe ôtô.

Chúc các bạn lái xe an toàn!

Chọn trang phục lái xe mô-tô vừa an toàn lại vừa "chất"

Một số người vẫn tranh luận về hiệu quả của quần áo bảo hộ, mũ bảo hiểm và phụ kiện nhưng chỉ những tay đua, những người thực sự có kinh nghiệm trên đường lái mới hiểu được giá trị thực sự của chúng. Cho dù bạn nghĩ rằng trang phục quá đồ sộ, quá nóng, quá nhiều chi tiết cồng kềnh nhưng nên tự bảo vệ cho chính bản thân và cho những người khác.

Ngoài mục đích bảo vệ cơ thể, quần áo, mũ bảo hiểm, giày và găng tay còn có thể làm giảm mệt mỏi và cải thiện khả năng tập trung cho người lái.

Mũ bảo hiểm bảo vệ bạn khỏi việc mất thính giác hoặc tai bị tổn thương bởi các yếu tố ngoại cảnh như mảnh vỡ, côn trùng, mưa,… và một ngày nào đó nó sẽ cứu sống bạn. Theo cục quản lý an toàn giao thông quốc gia Hoa Kì (NHTSA), ước tính rằng mũ bảo hiểm đã cải thiện khả năng sống sót tới 37%. Có nghĩa là cứ 100 tay đua gặp tai nạn trên đường thì có 37 người sẽ thoát chết nếu sử dụng mũ bảo hiểm.

Dựa trên các nghiên cứu, bạn được khuyến cáo nên dùng các loại mũ đạt tiêu chuẩn an toàn dành cho mũ bảo hiểm. Được dán tem dấu hợp quy, những mũ bảo hiểm này mới đủ chất lượng để bảo vệ vùng đầu khỏi các tác động xấu.Có các loại mũ bảo hiểm nửa đầu và mũ bảo hiểm cả đầu, có kèm thêm tấm nhựa che mắt hay miếng che tai nhưng mũ bảo hiểm cả đầu cung cấp khả năng bảo vệ tốt nhất.

Áo khoác và quần dài

Quần áo dành cho người điều khiển xe máy được thiết kế tốt sẽ bảo vệ bạn khỏi gió tạt, cháy nắng, bỏng ống xả và cũng là cách đầu tiên để tự đề phòng khi ra đường. Một số người mặc áo khoác chuyên dụng khi chạy xe nhưng lại kết hợp với chiếc quần dạo phố. Thực tế là chân cũng rất dễ bị tổn thương, bạn nên bảo vệ cơ thể một cách toàn diện.

Khi tai nạn xảy ra, quần áo bằng vải bông thô sẽ bị rách trong khoảnh khắc. Quần ngắn vải kaki hoặc loại vải thấm mồ hôi không có giá trị an toàn đáng kể. Những bộ cánh bằng da điệu đà có thể bị xé nhỏ ngay lập tức như vải thông thường. Nếu bạn chọn đồ da, hãy chắc chắn loại da này phù hợp cho việc điều khiển xe máy.

Bộ quần áo chuyên dụng từ các hãng dệt may uy tín với chất liệu vải kết hợp da, polyester, nylon,… sẽ đem đến hiệu quả bảo vệ cao nhất, ngăn ngừa thấm nước. Với thiết kế có khóa kéo, lưới, hoặc lỗ thoát khí tùy chỉnh, những chiếc áo khoác có thể đối phó với sức nóng của mùa hè nhưng lại ấm áp trong thời tiết lạnh giá. Bạn cũng có thể lựa chọn riêng áo khoác và quần nếu không muốn mặc theo bộ.

Một trong số những hậu quả tồi tệ nhất của tai nạn là do người ngã từ trên xe gắn máy mặc áo ngắn tay, quần short hoặc áo may ô. Thử tưởng tượng khi bạn bị ngã khi điều khiển xe với tốc độ 40 km/h, cơ thể không thể nguyên vẹn trong trường hợp này. Quần áo chuyên dụng có thể tiêu tốn của bạn một khoản tiền đáng kể nhưng nếu bị ngã chỉ một lần, cái giá phải trả còn cao hơn nhiều lần. Da ở các khớp xương như đốt ngón tay, khuỷu tay, hông, đầu gối, mắt cá chân và vai đặc biệt dễ bị tổn thương. Có thể mất một năm hoặc lâu hơn cho quá trình chữa trị.

Bộ đồ bảo hộ với những miếng đệm ở các khớp xương là lựa chọn an toàn lý tưởng dành cho người điều khiển xe máy.

Giày cao cổ và găng tay

Tay và chân là những bộ phận phức tạp cấu thành một cách tinh tế với nhiều đốt xương và cũng rất dễ bị tổn thương. Do đó, bạn nên đi giày cao cổ có lớp da dày dặn và lớp lót chân thật êm để bảo vệ tốt xung quanh mắt cá chân và cả bàn chân. Găng tay da cũng nên có chiều dài tương tự, chúng sẽ có tác dụng bảo vệ các đốt ngón tay, lòng bàn tay và cả cổ tay.

Hiện nay thị trường trang phục bảo vệ khi lái xe luôn có sẵn những sản phẩm với chất liệu và kiểu dáng phong phú hợp thời trang. Đừng bao giờ đánh cược với sự an toàn của bạn trên những cung đường.